(CTBN #02) Làm thế nào để học về timeless wisdom - những kiến thức không bao giờ mất đi giá trị? (Phần 1)
"History never repeats itself. Man always does" - Voltaire
Hãy tưởng tượng bạn vượt thời gian 300 năm đến Trái Đất vào năm 2324.
Bạn sẽ nghe được những khái niệm xa lạ, thấy những lối sống và công nghệ bạn không nghĩ có thể tồn tại, ở trong môi trường hoàn toàn không thân thuộc với bạn. Đa phần các kĩ năng và kiến thức bạn có vào năm 2024 sẽ không giúp ích gì nhiều tại thời điểm này.
Nhưng ở lâu một chút, quan sát thêm một tẹo, bạn sẽ nói: “à, vẫn có cái này quen quen”
Bởi vì cảnh vật có thể thay đổi hoàn toàn, nhưng bản chất của con người thì không.
Con người vào 2324 sẽ không khác gì nhiều so với con người vào năm 2024. Chúng ta vẫn sẽ mắc chung nhiều lỗi tư duy và thiên kiến, vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi lòng tham và sự đố kị, vẫn mắc sai lầm vì sự ngạo mạn hoặc thiếu kiên nhẫn. Chúng ta vẫn sẽ là giống loài đưa ra quyết định dựa vào cảm xúc, tâm lí bầy đàn và dễ dàng bị thuyết phục bởi một câu chuyện lọt tai (đúng sai không quan trọng) chứ không phải bởi những lập luận logic chặt chẽ.
Nhưng dĩ nhiên cả những mặt tốt nhất của con người như tính sáng tạo, khát vọng, sự tò mò và khả năng hợp tác trên diện rộng cũng vẫn luôn hiện diện vào 2324 y hệt như vào 2024 - đấy là lí do vì sao loài người chưa bao giờ dậm chân tại chỗ hoặc ngừng phát triển.
Nếu đi ngược về quá khứ 300 năm, bạn sẽ thấy cũng có nhiều điểm chung tương tự. Bản chất của con người gần như không thay đổi - đấy là lí do vì sao chúng ta luôn tìm được những kiểu mẫu (pattern) lặp đi lặp lại trong lịch sử. Và chúng cũng sẽ lặp đi lặp lại trong tương lai - trừ khi nhân loại chơi thuốc trên diện rộng và đột biến gien thành X-men hay bước lên một nấc thang tiến hoá cao hơn. Kiểu kiểu như vậy.
Mình tin những pattern về hành vi con người này là timeless wisdom - có nghĩa là kiến thức không bao giờ mất đi giá trị. Không ai có thể dự đoán trước những đột biến trong chính trị, khoa học, công nghệ, văn hoá và kinh tế, nhưng luôn có thể dự đoán được về cảm xúc của con người khi phản ứng với chúng.
Như Bác Hồ đã nói: “dĩ bất biến, ứng vạn biến” - lấy cái không thay đổi (những timeless wisdom) để ứng phó với cái luôn thay đổi là mọi thứ còn lại trên thế giới.
Nếu học về kinh tế hoặc đầu tư chứng khoán, bạn sẽ thấy điều này đặc biệt rõ. Việc có thuật toán phức tạp ngang rocket science để dự đoán giá cổ phiếu không giúp ích gì nhiều nếu bạn không có hiểu biết cơ bản về tâm lí đám đông (timeless wisdom). Người ta thường đưa ra quyết định bằng cảm xúc, rồi mới sử dụng logic để chứng minh cho tính đúng đắn của quyết định đấy chứ không phải ngược lại.
“We are not using logic to make our decisions. We are using logic to justify our decisions, which are based on emotions” - Brian Maierhofer
Đây có lẽ là lí do vì sao EQ luôn quan trọng hơn IQ trong việc xác định một người có thành công và hạnh phúc hay không. 90% thời gian tồn tại của chúng ta được sử dụng để tương tác với người khác, vậy nên việc nắm được timeless wisdom về những hành vi hoặc pattern cảm xúc không-thay-đổi của con người đem lại lợi thế cực kì lớn.
Vậy làm thế nào để học được những kiến thức không bao giờ mất giá trị này?
Theo mình thì câu trả lời khá đơn giản: đấy là học về tất cả những thứ ảnh hưởng lên cảm xúc của con người - tâm lí, văn hoá, tôn giáo, giải trí, nghệ thuật, chính trị và kinh tế. Học về những gì khiến họ sợ hãi, khát khao, tò mò hoặc mong đợi. Đặc biệt là học về lịch sử - vì lịch sử về cơ bản là làm việc với quá khứ để hiểu rõ tương lai bằng việc tìm ra những pattern cho hành vi của con người với tư cách là một tập thể (collective).
Ví dụ để hiểu về cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến đâu, bạn không cần (và cũng không thể) dự đoán đúng 100% những biến động chính trị sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ này trong tương lai. Tuy nhiên nếu nhìn vào lịch sử, bạn có thể hiểu rõ bản chất của sự thù địch giữa 2 cường quốc này vì đã có quá nhiều trường hợp y hệt đã lặp đi lặp lại - từ Thucydides’s trap trong cuộc chiến Peloponnesian giữa Athens và Sparta ở Hy Lạp cổ cho đến 2 cuộc Thế Chiến, rồi sau đó là chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.
Trong kinh doanh, Jeff Bezos là một ví dụ điển hình của việc sử dụng thành công timeless wisdom.
“Mọi người luôn hỏi tôi: điều gì sẽ thay đổi trong 10 năm nữa? Nhưng tôi chưa bao giờ nhận được câu hỏi: điều gì sẽ không thay đổi trong 10 năm nữa? Và tôi phải thú nhận là câu hỏi thứ hai quan trọng hơn rất nhiều”
Những thứ không thay đổi quan trọng vì bạn có thể đánh cược vào chúng với sự tự tin lớn rằng đây là những điều sẽ shape the future (again). Jeff Bezos nói việc tưởng tượng người tiêu dùng trong tương lai không muốn mua đồ giá rẻ và ship nhanh là vô nghĩa - do vậy ông đầu tư all in vào việc biến Amazon thành công ty hàng đầu trong việc đảm bảo luôn có giá rẻ và ship nhanh. Thành công của cú đặt cược này, well, đã là lịch sử.
Nếu bây giờ được quay lại năm 20 tuổi, mình sẽ nói với bản thân là pls dành ít thời gian cho những thứ cao siêu vô bổ thôi :)) Mà hãy dành thời gian để học và ngấm cho càng nhiều càng tốt những timeless pattern trong hành vi và cảm xúc của người khác. Bắt đầu với việc hiểu về chính bản thân mình trước tiên - vì mình chẳng có khỉ gì đặc biệt và chẳng khác tất cả mọi người là bao. Hiểu được bản thân càng rõ thì sẽ hiểu về người khác càng nhiều.
Nếu ai hứng thú với những gì được viết ở trên, mình muốn giới thiệu với mọi người vài quyển sách chứa cực kì nhiều timeless wisdom:
1. Think like a monk - Jay Shetty
Đây là quyển sách rất tốt nếu bạn muốn hiểu về spiritual theo một cách khoa học và no bullshit. Hiểu về spiritual đối với mình là hiểu về cách con người có thể bị lừa dối và thao túng bởi chính những suy nghĩ của họ như thế nào. Và từ đó tập luyện (chứ không bao giờ học được hết) khả năng quan sát chính bản thân từ ngôi thứ 3 - nghĩa là tách hành động và phản ứng của chính mình ra khỏi cái tôi (ego). Quyển này dễ đọc, nhiều insights, hay và chill - cực kì thích hợp cho một tối cuối tuần :))
2. The Almanack of Naval Ravikant - Naval Ravikant
Naval Ravikant là một entrepreneur, investor cực kì thành công và đồng thời cũng là một trong những bộ não hấp dẫn nhất mình từng được tiếp xúc qua sách vở. Quyển Almanack mà mình giới thiệu chứa rất nhiều timeless wisdom của Naval qua hàng chục năm khởi nghiệp và đầu tư (chủ yếu về tech) nên đảm bảo rất hữu ích cho bất kì ai đang trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp và muốn tìm hiểu về kinh tế.
3. 21 bài học cho thế kỉ 21 - Yuval Noah Harari
Với tư cách là một nhà sử học, Yuval Harari for sure hiểu rất rõ về timeless wisdom. Dù quyển này viết về 21 điều có thể định hình thế giới trong tương lai, nó cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng về quá khứ. Từ những thay đổi lớn về công nghệ, tôn giáo, văn hoá, giải trí cho đến khủng bố, chiến tranh và những cách phân chia giai cấp xã hội. Rất thích hợp cho những ai tò mò với mấy chủ đề vĩ mô và muốn đem flex kiến thức sau khi đọc :)))
4. Same as ever: a guide to what never changes - Morgan Housel
Đây là quyển sách đã inspired bài blog này :))) Mình sẽ dựa vào quyển này và những trải nghiệm cá nhân để viết tiếp các phần sau của loạt bài về timeless wisdom. Nếu không có thời gian vài ngày đọc hết cuốn, bạn có thể đợi đến cuối tuần sau để đọc những chắt lọc của mình về nội dung sách trong 10 phút :))
Cảm ơn các bạn đã đọc đến tận đây!! Đây là bài viết thứ 2 trong series “Cuối tuần bổ não” (CTBN), nơi mình chia sẻ với mọi người những ý tưởng khiến mình hào hứng/đau não/ám ảnh nhất trong tuần. Các ý tưởng này không giới hạn trong những gì mình thường viết trước đây (như về kinh tế) mà trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Mong chúng đủ thú vị để mời mọi người suy nghĩ cùng mình :)) Rất hóng nhận được phản hồi góp ý từ các bạn!
Chúc các bạn đầu tuần vui vẻ và hẹn gặp lại vào cuối tuần sau :))
Minh
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay 2 của Writing on The Net Alumni
#vdvh #wotn
Great idea anh! Em từng đọc một bài này cũng nói về việc nếu thấy vô định về tương lai thì mình có thể nghĩ về câu hỏi “mình mong muốn bản thân của tương lai sẽ giữ lại những điều gì của hiện tại?”
https://psyche.co/guides/how-to-connect-with-your-future-self-and-make-better-choices
í, quyển số 1 chị vừa mới mua xong luôn, mặc dù bìa sách hơi kỳ với chị (mang sách ra ngoài = mang mặt anh ấy đi muôn nơi), nhưng đúng là nội dung chỉ cần đọc lướt qua vài trang đã thấy siêu hay ho và muốn mua rồi. Cảm ơn Minh vì một bài viết hay và chị quyết định sẽ đi mua nốt 2 quyển số 3, 4 =)))